Đất, Người Bình Dương

Phong trào phá ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng của quân và dân huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương

  • HUỲNH THỊ LIÊM
  • 25/07/2012

Trong tiến trình xâm lược nước ta, Mỹ đã đưa ra nhiều chiến lược nhằm bình định miền Nam trong thời gian ngắn nhất. Đến năm 1962, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy được tiếp tục thực hiện với quy mô lớn. Chúng dồn dân lập ấp chiến lược, nhằm mục đích giành dân, ly gián giữa nhân dân và cách mạng, hòng tiêu diệt cách mạng, để biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Từ năm 1962, địch đã triển khai kế hoạch “ấp chiến lược” trên toàn tỉnh Phước Long, từ thị xã, thị trấn đến đồn điền nông thôn và trong các buôn sóc của đồng bào người dân tộc thiểu số. Trước hành động trấn áp của địch, nhân dân Bến Tượng kết hợp với toàn chiến trường Đông Nam bộ chống địch càn quét, chống địch lập ấp chiến lược diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của cách mạng.
Ngày 3-2-1962, Diệm thành lập Ủy ban liên bộ về ấp chiến lược, gồm các tướng lĩnh chính khách caocấp trong chính quyền ngụy. Ủy ban trực tiếp phụ trách xây dựng hàng loạt các ấp chiến lược ở nông thôn theo kế hoạch “bình định châu thổ”. Tháng 8- 1962, chương trình ấp chiến lược được Diệm nâng lên thành “quốc sách”. Kế hoạch “ấp chiến lược” được thực hiện thí điểm đầu tiên ở Bến Cát (Bình Dương) với chiến dịch Mặt Trời mọc (3-1962).
Bến Cát là một quận có diện tích rộng nhất trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương. Rừng chiếm hết 5/10 diện tích ở phía bắc và tây nam, cao su chiếm 3/10 diện tích, phần còn lại là ruộng, vườn dọc theo rạch Thị Tính và phía đông sông Sài Gòn. Giáp với 2 tỉnh Bình Long và Phước Thành, quận Bến Cát với khu rừng Long Nguyên và rừng cấp “1, 2, 3” là nơi trung chuyển từ “Chiến khu Đ” sang Chiến khu “Dương Minh Châu”.
Theo tờ trình tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 10-4-1962, thì chiến dịch “Mặt Trời mọc” quy dân lập ấp ở Bến Cát đã khởi diễn lúc 7 giờ 30 phút, sáng ngày 22-3-1962. Địa điểm đầu tiên được chọn quận Bến Cát là ấp Bến Tượng thuộc xã Lai Uyên. Mục tiêu đầu tiên là gom dân dọc theo các suối Ba Thê, suối Bài Chùa, suối Ông Tề, suối Ông Chương, suối Bông Trang, suối Bến Tượng, suối Khoai. Thực hiện cuộc gom dân có 4 đoàn cán bộ, 141 người. Trung đoàn 8 ngụy làm nhiệm vụ hỗ trợ cuộc gom dân này. Công tác gom dân hoàn tất trong ngày 26-3-1962.Dân số trong ấp là 968 người gồm 201 gia đình, trong đó có 100 gia đình nông nghiệp, 63 là lâm nghiệp và chăn nuôi còn lại là công nhân đồn điền cao su. Lực lượng bảo vệ ấp gồm 2 đại đội bảo an, 1 phân đội thiết giáp. Ngoài ra có 80 nam nữ công chức, 1 bác sĩ, 8 điều dưỡng viên, 6 xe ủi, 4 xe chứa nước, 82 xe bò, 50 phu công chánh phục vụ việc gom dân.
Ngay sau khi hình thành ấp Bến Tượng, địch thành lập 5 trại tạm trú di dân. Bố trí làm 5 nhóm phục vụ: Bảo an lo tổ chức việc an ninh, y tế lập trại cứu, thương, dinh điền lo ủi đất làm nền nhà, điền địa thì đo đất phân lô, công chánh lo chở nước, đào giếng, cung cấp xe vận tải... Mỗi người dân được cấp phát 600 gam gạo, kèm theo cá khô, nước mắm và muối. Mỗi gia đình được cung cấp một bộ nông cụ gồm: rựa, cưa, cuốc, xẻng...
Tiếp sau giai đoạn định cư di dân, dự định ngày 15-4-1962, ấp Bến Tượng sẽ hoàn tất việc triển khai tổ chức đời sống, chính trị, phòng thủ. Song song với ấp Bến Tượng, chúng còn tiến hành quy dân lập ấp ở bến Đồng Sổ và Bàu Bàng. Kế hoạch này nằm trong phạm vi chiến dịch xây dựng nông thôn do tổng thống chỉ thị và nhất quyết phải làm cho bằng được.
Phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược Bến Tượng
Hưởng ứng phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” do Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền phát động, Khu ủy đã chỉ đạo quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ mở đợt hoạt động sôi nổi trên khắp các chiến trường, phối hợp ba mũi giáp công, phá ấp chiến lược, giải phóng hàng loạt xã, ấp”.
Tháng 6-1963, Thường vụ Trung ương Cục mở hội nghị toàn miền rút kinh nghiệm chống phá ấp chiến lược. Kinh nghiệm trước hết là các cấp ủy Đảng phải tập trung vào trọng tâm công tác tuyên truyền làm cho quần chúng hiểu được âm mưu xây dựng ấp chiến lược của địch, từ đó tự giác thực hiện chống phá ấp chiến lược, coi ấp chiến lược là chiến trường tiến công địch. Kinh nghiệm thứ hai là phải đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận có vũ trang hỗ trợ. Khâu quyết định là phải vận động cách mạng quần chúng trong ấp chiến lược, gia đình binh sĩ, tề, lính, nhất là tổ chức thanh niên chiến đấu và tổ chức dân vệ người dân tộc... Kinh nghiệm thứ ba là phải kết hợp đẩy mạnh cả hai mặt chống và phá ngay từ đầu. Kinh nghiệm thứ tư là phá hình thức kết hợp với phá nội dung. Phá nội dung kiềm kẹp là nội dung quyết định.
Trên cơ sở đó, Thường vụ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chủ trương giao nhiệm vụ chống phá ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm phá kỳ được ấp chiến lược để chuyển thế cách mạng tiến công. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải xác định vì dân, vì Đảng mà phục vụ, phải chấp nhận khó khăn gian khổ hy sinh, chỉ biết bằng sức mạnh tổng hợp, bằng 3 mũi giáp công sắc bén.
Đánh phải có điểm, có diện, các tỉnh phải chọn điểm thuận lợi, chắc thắng để làm tiền đề phá rã, phá mảng ấp chiến lược. Khu ủy chọn ấp chiến lược điển hình Bến Tượng làm điểm, quyết giành thắng lợi để tác động chung cho toàn khu.
Phương châm dành địch của ta là: Vây, lấn, tấn, xây. Trong đó xây là khâu quan trọng. Đánh từ thấp đến cao, làm lỏng, làm rã, tiêu diệt bộ máy kiềm kẹp của địch, làm cho địch không thể kiềm kẹp được tạo thế tạo lực cho quần chúng nổi dậy đổi đời, phải biết đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục, trên cơ sở nắm, phân tích tình hình của ta, của địch cụ thể, không nóng vội, cũng không chần chờ, mưu trí, kịp thì tạo thời cơ, chớp thời cơ đưa cách mạng quần chúng tiến công giành thắng lợi.
 Đầu tháng 5-1964, đồng chí Huỳnh Chí Mạnh, Bí thư khu ủy giao trách nhiệm cho đồng chí Nguyễn Bá Niên từ Bàu Sắn (Chiến khu Đ) cùng với đồng chí Dũng (cận vệ) về Bến Tượng để lãnh đạo phá ấp chiến lược.
Chấp hành chỉ thị của Khu ủy, đồng chí Niên đến Huyện ủy Bến Cát cùng đồng chí Bí thư Huyện ủy (đồng chí Ba Tiến) đến căn cứ Long Nguyên để phổ biến nghị quyết cho Tỉnh ủy Bình Dương về phá ấp chiến lược Bến Tượng. Tỉnh ủy Bình Dương và Huyện ủy Bến Cát nhất trí với chủ trương trên và hạ quyết tâm sẽ phá banh ấp và giành thắng lợi.
Sau khi thành lập được Ban chỉ đạo vạch kế hoạch phá ấp đã được tiến hành. Huyện đội đã tổ chức học tập nghị quyết của khu, tỉnh, huyện ủy và giao về nhiệm vụ chiến đấu phá ấp chiến lược Bến Tượng cho đại đội C61. Các bí thư chi bộ: Chánh Phú Hòa, Mỹ Phước, Lai Hưng tổ chức học tập cho đảng viên, du kích và giao nhiệm vụ đánh phá ấp chiến lược Bến Tượng, xây dựng tư tưởng tiến công, tự lựctự cường, chống trông chờ ỷ lại. Phải nêu cao tác phong sâu sát, nhạy bén, cụ thể. Vận dụng phương pháp đánh từ thấp đến cao, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, tạo và chớp thời cơ.
Ban chỉ đạo đã đi vào dân, bám dân, tuyên truyền, phát động căm thù chống âm mưu thâm độc của bọn ngụy. Tích cực đi sâu đi sát, nghiên cứu khai thác khả năng của quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ đánh địch làm cho chúng không chống đỡ nổi. Tổ chức tiếp xúc thường xuyên dân ở trong ấp, giáo dục, tổ chức, trang bị vũ khí trong dân.
- Ta rải truyền đơn đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi về xóm cũ sản xuất, đòi gạo, đòi thuốc, đòi đi sớm về tối, đi khỏi thưa về khỏi trình.
 - Lấy vũ khí của địch trang bị cho ta, gây tiếng nổ bên trong làm cho tình hình bất ổn định, làm cho địch mất ăn, mất ngủ, nơm nớp lo sợ lực lượng vũ trang ta tấn công, buộc bọn ác ôn phải xuống giọng, nâng uy thế của quần chúng lên nghi binh để che giấu lực lượng bên ngoài, hợp đồng đánh địch hoặc tự động liệt ác.
- Nắm tình hình kịp thời báo cáo cho ta để chớp thời cơ đánh địch bằng 3 mũi giáp công tại chỗ hoặc kết hợp với bên ngoài.
- Bằng mọi cách tiếp tế lương thực, thuốc men cho bên ngoài.
- Bung ra sản xuất, chuẩn bị mọi mặt cho bước trởvề xóm cũ.
- Đề cao tinh thần đoàn kết đấu tranh, giữ bí mật, tương trợ nhau khi đau bệnh, ma chay, sinh đẻ, cùng giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất (vần đổi công).
Một yêu cầu cấp thiết là mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải đóng vai trò trong quần chúng, chọn người tốt xây dựng thành nòng cốt, thành tự vệ mật, thành cán bộ binh vận, thành cơ sở nội tuyến hoặc cảm tình với cách mạng. Quá trình đấu tranh có đảng viên, đoàn viên, có cán bộ quần chúng, có ban chỉ đạo tại chỗ.
Mạnh bên trong kết hợp mạnh bên ngoài, giương cao ngọn cờ hiệu triệu, hình thành thế nhân dân du kích chiến tranh để đánh địch bằng các loại vũ khí thô sơ: Hàng rào chiến đấu, cạm bẫy, ô, ụ chiến đấu, giao thông hào, có hầm bí mật, hào chống tăng, chống phi pháo, có nơi tương đối an toàn cứu chữa cho thương binh. Đánh cho được bọn bung ra như: Bảo an, chủ lực, do thám, gián điệp.
Vào trung tuần tháng 8-1964, ta phát động quần chúng, tấn công làm rã bộ máy kiềm kẹp, nâng uy thế quần chúng nhân dân lên một bước.
- Mở tòa án nhân dân xét xử tên Vành (trưởng ấp), đồng thời khôn khéo sử dụng địch đánh địch.
- Phá kiềm phải đi đôi với bung dân, chống khủng bố, chống tái lập bộ máy kiềm kẹp, đòi dân sinh dân chủ.
- Xây dựng, phát triển lực lượng tổng hợp 3 mũi giáp công tại chỗ.
- Bằng lực lượng tổng hợp đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục vào lực lượng kiềm kẹp và bảo an gây tổn thất cho địch. Bảo tồn được lực lượng ta, thế phong trào được nâng lên, dân về xóm cũ, còn một số ở lại. Thế kiềm kẹp của địch bắt đầu lỏng và rã. Cơ sở bên trong đã tăngvề chất, có kinh nghiệm, quần chúng nhân dân được tập dượt.
Đến đầu tháng 9-1964, nguy cơ sụp đổ của ấp chiến lược điển hình “Bến Tượng” đã đến mức báo động. Mắcnamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là cha đẻ của ấp chiến lược này, thiếu tướng Năm Thành Cao cùng với bè lũ tay sai Phạm Ngọc An tỉnh trưởng, Hồ Văn Hùng quận trưởng là những người trực tiếp đứng ra xây dựng ấp đã vô cùng phẫn nộ, lập tức đáp máy bay trực thăng xuống tận nơi, ra oai hòng giữ lại thế kiềm kẹp, chống nguy cơ sụp đổ. Chúng khủng bố, bắt ép số tề còn lại phải tiếp tục làm việc, đồng thời dìm phong trào quần chúng xuống, tổ chức hành quân đánh vào căn cứ lõm của ta. Địch bắt đầu khôi phục hoạt động mạnh trở lại, sử dụng lực lượng bảo an, chủ lực, liên gia trưởng, trưởng ấp làm khó dễ gianh cán bộ, chiến sĩ và những người chúng tình nghi có quan hệ với ta.
Trước tình hình đó, ta chuyển hình thức đấu tranh lúc này là kết hợp rải truyền đơn tuyên truyền cùng tổ chức đấu tranh hợp pháp, gặp mặt tỉnh trướng để đòi cơm áo, gạo tiền...
Trước thế tấn công dồn dập của ta, một số liên gia, trưởng ấp vội vàng trốn đi nơi khác, số còn lại đang lo sợ. Đổng bào tiếp tục hù dọa gây tác động số tề còn ở lại là: “Cách mạng nhắn và bảo bà con tôi ra nói lại cho các anh biết rất hoan nghênh số người đã trốn đi nơi khác”, chính việc lâm đó là sự góp phần phá ấp chiến lược này.
Qua lần đấu tranh này, hệ thống kiềm kẹp của địch cơ bản đã tan rã, tề xã, công dân vụ cũng lo sợ, không dám ngủ đêm trong ấp chiến lược, hạn chế hoạt động. Quần chúng nhân dân trong ấp chiến lược đã đứng dậy tấn công địch, về xóm cũ làm ăn.
Như vậy, về cơ bản ta đã giành được thắng lợi, đây là thời cơ đưa phong trào lên mạnh hơn. Khoảng giữa tháng 9-1964, để chống lại nguy cơ sụp đổ ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng, quân địch sẽ tìm cách đối phó điên cuồng, tập trung mũi nhọn đánh đồng bào đấu tranh đòi trở về xóm cũ. Do vậy, ta phải chủ động vạch kế hoạch đối phó cụ thể:
Tổ chức sản xuất và chiến đấu. Thực hiện đánh địch bằng 3 mũi giáp công và có thế liên hoàn hỗ trợ nhau tạo thành thế bao vây tấn công địch. Giặc đến thì đánh, giặc về thì sản xuất, phải giữ thế hợp pháp của dân trên đồng ruộng và nơi ăn chỗ ở.
Đến cuối tháng 9-1964, ta quyết tâm dứt điểm phá banh ấp chiến lược Bến Tượng. Trong thời gian này, địch sử dụng lực lượng càn quét đánh vào nơi nhà dân mới về. Ta tổ chức đánh bật địch ra xa, làm cho chúng không thọc sâu vào trong được, nhưng đã có 4 người dân bị chết. Ta tổ chức khiêng xác lên đồn địch đấu tranh với khẩu hiệu “phải bồi thường nhân mạng”. Dựa vào đó ta tiếp tục đấu tranh, biến đau thương thành hành động cách mạng. Biến cái chết của 4 người dân thành nỗi niềm thương tiếc của nhiều người, là hồi kèn thúc giục cán bộ và đồng bào nhanh chóng tiến lên đánh dút điểm ấp chiến lược.
Kết hợp đấu tranh bằng binh vận với súng cối từ ngoài căn cứ bắn cầm canh vào ấp, rải truyền đơn cảnh cáo, tranh thủ kêu gọi binh lính cùng với nhân dân đánh phá ấp chiến lược. Số dân trong ấp chỉ còn lại khoảng 40, 50 hộ. Còn đa số dân đã chuyển về xóm cũ làm ăn.
Trải qua 92 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ ta cùng với đồng bào Bến Tượng đã vật lộn với kẻ thù hung hãn tại ấp chiến lược kiểu mẫu này, có sự chỉ đạo của khu và tỉnh, sự đóng góp của huyện và của đồng bào trong huyện và sự tác động chung của chiến trường toàn khu ở miền Đông đạt kết quả như sau:
 - Trên 85 hộ gia đình trong ấp chiến lược Bến Tượng đã trờ về xóm cũ và đi nơi khác, nhà cửa, tài sân của dân đã di chuyển về xóm cũ, một số nhà cửa của địch cũng bị dân phá và đem về xây dựng nhà cửa của mình. Qua phong trào đấu tranh này, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi hẳn, dân   nổi dậy phá tan tành ấp Bến Tượng, đã trở về làng cũ làm ăn sinh sống.
- Kẻ thù phải trả một giá rất đắt vì ấp kiểu mẫu Bến Tượng của chúng ở miền Nam Việt Nam đã bị phá sản hoàn toàn. Quốc sách ấp Chiến lược đã thành công ở Mã Lai, nay bị thất bại ở Việt Nam.
 - Lực lượng chính quyền và quân đội của chúng đã bị tổn thất khá nặng nề và cuối cùng phải rút chạy.
 - Chiến đấu giành thắng lợi đã khó, nhưng giữ dân không để cho địch gom tách lại càng khó hơn, do đó Ban chỉ đạo có phương hướng tới là:
 + Ổn định nhà cửa, hầm trú ẩn cho người, gia súc cho dân mới về.
 + Tranh thủ lúc trời còn mưa, hướng dẫn nhân dân nhanh chóng trồng các loại hoa màu để giải quyết cái ăn.
 + Củng cố và phát triển các đội du kích ấp, dân quân tự vệ, ban chỉ huy ấp đội, củng cố và xây ô, ấp chiến đấu để đánh giặc, giữ thế bám trụ vững chắc cho dân thực hiện khẩu hiệu “giặc đến thì đánh, giặc về thì sản xuất”.
 + Tổ chức những tổ đoàn kết tương trợ, tổ vần đổi công trên cơ sở xây dựng mạnh tổ chức nông, thanh, phụ.
 + Dân về tới đâu thì chi bộ xã phải bố trí cán bộ, đảng viên trực tiếp tổ chức, lãnh đạo quần chúng đến đó Huyện ủy đưa huyện ủy viên đến chỉ đạo trực tiếp. Riêng bộ đội địa phương cân ở lại một thời gian để trợ lực cho du kích và góp phần xây dựng phong trào nhân dân du kích chiến tranh.
 + Hình thành những tổ binh vận, những tổ đấu tranh chính trị để cùng với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh địch.
 + Chọn lọc những người dân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phá ấp chiến lược để bồi dưỡng kết nạp vào Đoàn, vào Đảng. Khen thưởng những người có thành tích.
 Như vậy, thắng lợi đánh phá ấp chiến lược Bến Tượng, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (tháng 5- 1964 đến tháng 9-1964), đã khẳng định được rằng:
 - Phá ấp chiến lược Bến Tượng là chiến thắng của tư tưởng chỉ đạo đúng đắn của Khu ủy và Huyện ủy, là chiến thắng của tinh thần quyết tâm của Tỉnh ủy và Huyện ủy. Nhân dân và 'ực lượng vũ trang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp nhận gian khổ hy sinh. Ban chỉ đạo, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đặc biệt đa số quần chúng nhân dân đã biến căm thù thành hành động cách mạng nổi dậy phá banh ấp chiến lược. Đây là yếu tố quyết định để giành thắng lợi cuối cùng và cùng với đồng bào cả nước nhân dân Bình Dương ra sức chiến đấu hết mình để giành độc lập dân tộc.
- Phá banh ấp chiến lược Bến Tượng là ấp kiểu mẫu cái gọi là “quốc sách” của địch ở miền Nam Việt Nam, đây là một kỳ công của quân và dân Bình Dương. Để giành thắng lợi chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng đông đảo của nhân dân và sự ãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ban chỉ đạo, cán bộ, đảng viên nhất trí cao, quyết tâm cao, mưu trí, sáng tạo.
+ Ta tiến hành nhiều bước, mỗi bước có yêu cầu, biện pháp cụ thể, thời gian, nhạy bén trước tình hình, kịp thời chuyển bước đưa phong trào lên, chủ động đánh cho địch trở tay không kịp. Phát động lòng căm thù của quần chúng nhân dân, dám đánh, biết đánh, biết thắng bằng 3 mũi giáp công. Cán bộ tại chỗ đã lượng được sức địch, đồng thời mưu trí, linh hoạt, biết tạo và chớp thời cơ. Ngoài ra ta còn khôn khéo sử dụng lực lượng và vũ khí của địch để đánh địch “gậy ông đập lưng ông”.
Đây là bài học được kiểm nghiệm trong quá trình đánh, phá ấp chiến lược Bến Tượng mà địch rêu rao là bất khả xâm phạm; vì đã 2 lần ta đánh vào đây bằng lực lượng vũ trang mạnh nhưng chưa giành được thắng lợi. Lần này bằng mạng lưới nhân dân du kích chiến tranh, với lực luợng vũ trang nhỏ, đánh nhỏ, gây tổn thất thường xuyên cho địch để làm đòn xeo hỗ trợ cho phong trào quần chúng bên trong nổi dậy phá banh ấp chiến lược Bến Tượng.
+ Đánh đúng đối tượng kiềm kẹp, diệt đúng đối tượng ác ôn, nợ máu trong ấp chiến lược là đánh đúng chỗ hiểm yếu của địch vì nó là xương sống của ấp chiến lược.
- Ta đã tạo được mâu thuẫn trong nội bộ dịch là cách đánh đau, đánh hiểm, gây nghi kỵ lẫn nhau, thủ thế với nhau, tìm cách chém giết lẫn nhau chỉ huy ác ôn với binh lính, giữa binh lính với tề.
- Đồng thời nêu cao công tác binh vận, làm cho ngụy quân, ngụy quyền biết được chế độ ưu việt của cách mạng, thấy được sự nhồi nhét tư tưởng phản động trong binh lính ngụy, dẫn tới phản chiến, binh biến, đào rã ngũ. Đây là cách đánh địch hiệu quả nhất, gây tổn thất nhiều nhưng không chết người có tác dụng lâu dài về chính trị đối với cách mạng.
 - Đánh bằng 3 mũi giáp công tại chỗ của quần chúng, nhân dân trong ấp chiến lược hình thành thế bao vây và tấn công thường xuyên, liên tục, đánh 3 mũi giáp công trong trận thế nhân dân du kích chiến tranh ở bên ngoài (kết hợp các loại lực lượng và vũ trang du kích ấp, tự vệ mật, du kích mật, du kích xã, bộ đội địa phương).
Hợp đồng chặt chẽ giữa đánh điểm và diện thành thế liên hoàn kiềm chân, căng địch ra để đánh trên diện rộng. Cả điểm và diện cũng phải hợp đồng chặt chẽ ở trong và ngoài “Nội ngoại giáp công”, ở đây ta bằng mọi cách kéo địch ra đánh bên ngoài công sự bằng các loại lực lượng vũ trang một cách chủ động, lừa địch lọt vào thế trận của ta, gây tổn thất cho địch, tạo cơ sở pháp lý cho quần chúng bên trong tấn công địch. Như vậy địch lọt vào 2 gọng kiềm của ta: đi càn bên ngoài bị đánh, về hang ở cũng bị đánh. Cứ như vậy, mà đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục làm cho khí thế quần chúng không ngừng được nâng lên, nổi dậy của quần chúng thêm rộng mạnh buộc địch phải đầu hàng trước hành động cách mạng của quần chúng nhân dân, lượng người bung về xóm cũ ngày càng nhiều làm cho ấp chiến lược dần dần teo nhỏ lại dẫn đến hoàn toàn bị phá sản.
Qua kiểm nghiệm xác minh dưới sự chỉ đạo của Khu ủy bằng phương châm ''vừa tấn, vừa xây, mà xây là khâu quan trọng là hoàn toàn đúng, vì không dám tấn thì không để ra lực lượng cách mạng, có lựcmà không dám tấn thì bị tan rã.
Như vậy, với tinh thần yêu nước, yêu quê hương làng xóm một cách nồng nàn, nhân dân Bình Dương  dã phá tan ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng của  địch ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Phá ấp Bến Tượng là phá đi chiến lược kiểu mới mà Mỹ hòng áp đặt ở miền Nam, tạo thế tạo đà cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ trên toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Góp phần tạo nên chiến thắng  hào hùng của dân tộc.
H.T.L
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tờ trình kính đệ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Hồ sơ 7573, LTQG 2.
2. Chỉ huy chiến dịch xây dựng nông thôn, Hồ sơ 7573.
3. Lịch sử đảng bộ miền Đông Nam bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945 - 1975), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2003.
4. Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam 1954-1975), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999.
5. Hồi ký của Nguyễn Bá Niên “92 ngày phá khu ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng, Bến Cát, Bình Dương” lưu trữ tại ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
6. Lich sử đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), NXB Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2003.1/ Tư liệu miền Nam - Việt Nam thông tân xã.
7. Tình hình, phương hướng và nhiệm vụ của công tác trước mắt của cách mạng miền Nam - Việt Nam thông tấn xã.
8. Lịch sử Đảng bộ Bình Dương 1930 -1975, NXBCTQG. Hà Nội 2003.
9. Lịch sử đảng bộ miền Đông lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) NXBCTQG. Hà Nội 2003.
10. Miền Đông nam bộ kháng chiến 1945- 1975 - NXBQĐND - Hà Nội 1993.
11. Hồi ký 92 ngày phá khu ấp chíến lược kiểu mẫu Bến Tượng, Bến Cát, Bình Dương của Nguyễn Bá Niêu lưu tại Ban Nghiên cứu lịch sử đảng Bình Dương.
Xúc tiến kế hoạch quy dân lập ấp chiến lược ở Bến cát Bình Dương- Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
Kế hoạch bình định tỉnh Bình Dương - Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
Tìm hiểu về quốc sách ấp chiến lược - Trần Kim Tuyến - Trung tâm lưu trữ quốcgia II.

HUỲNH THỊ LIÊM


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24392857