Đất, Người Bình Dương

Di tích Khảo cổ Hàn Ông Đại: Dấu tích công xưởng sản xuất đồ đá nguyên thủy

  • VŨ THÀNH TRUNG
  • 25/07/2012

Tháng 12-2006, Bảo tàng Bình Dương đã phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khảo cổ học Nam bộ tiến hành đào thám sát 2 hố tại di tích Khảo cổ học Hàn Ông Đại, một hố 1x2m và một hố 1x3m. Cuộc khai quật đã thu được trên 1.000 hiện vật, chủ yếu là đồ đá như rìu, cuốc, bàn mài, hòn ghè, dao, đục... và vô số mảnh tước. Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học, thì di tích có niên đại khoảng 4.000 - 3.500 năm cách ngày nay và là dấu tích của một công xướng sản xuất công cụ bằng đá nguyên thủy.

Di tích Khảo cổ Hàn Ông Đại nằm trên đồi điều số 4, trang trại Đoàn Minh Chiến, cách con sông Bé 100m, thuộc ấp 2, xã Tân Định, huyện Tân Uyên. Di tích khảo cổ Hàn Ông Đại được phân bố rộng khoảng 1 ha, dọc theo bờ sông. Theo những nghiên cứu từ các hiện vật khai quật được, thì đây là di tích có niên đại sớm nhất so với các di chỉ Khảo cổ học đã được phát hiện tại Bình Dương như Cù lao Rùa, Dốc Chùa, Phú Chánh.
Tại di tích, cũng tìm thấy rất nhiều hiện vật lộ thiên. Những hiện vật phát hiện được trên bề mặt của di tích là do gia đình ông Chiến san ủi đất để sản xuất nhưng dưới lòng đất tại những hố khai quật thì địa tầng không bị xáo trộn. Di tích được khai quật đến 15cm bắt đầu xuất hiện những mảnh tước. Tầng văn hóa dày 42cm.
Di tích Khảo cổ Hàn Ông Đại phát hiện được những hiện vật bằng đá là chủ yếu, rất ít hiện vật gốm. Những hiện vật gốm (thực ra là đất nung bằng củi) có được làm rất thô sơ và nung ở nhiệt độ không cao. Đặc biệt, tại di tích đã phát hiện được một công cụ bằng đá có hình giống như lưỡi cuốc, có chiều ngang 29cm, chiều dọc là 28cm, là loại đá Granít, loại đá rất khó ghè đẽo và không được dùng làm công cụ lao động. Đó cũng là công cụ bằng đá lớn nhất từ trước đến nay ngành khảo cổ phát hiện được. Theo nhận định của tiến sĩ bùi Chí Hoàng - Phó Giám đốc trung tâm Khảo cổ học – Viện Khảo cổ học Nam bộ, thì công cụ đó có thể được dùng để làm mẫu hoặc để thờ cúng của người xưa. Có thể nói, những hiện vật phát hiện được tại di tích cho chúng ta biết, đó là dấu tích công xưởng sản xuất đồ đá nguyên thủy. Dựa trên những sự phân bố của di tích, có thể nói cách ngày nay gần 4.000 năm, đây đã là nơi cư dân sinh sống khá trù mật. Bên cạnh di tích là con sông Bé thượng nguồn, gào thét dữ dội quanh năm. Nhưng, con sông mang đến cho con người dòng nước trong và những lớp đất màu mỡ, rất thuận lợi cho canh tác.
Tại di tích, không phát hiện được nhiều bàn mài, mà phát hiện được rất nhiều rìu đá được ghè đẽo qua loa, chưa mài. Các loại công cụ với nhiều kích thước khác nhau cho thấy, đây là nơi sản xuất công cụ lao động ở bước đầu, còn hàn thiện thì phải qua các khâu khác. Có thể, người ta mang đi mài tại các nơi khác? Điều đặc biệt, dọc theo con sông Bé, xuống tới sông Đồng Nai, tại di tích Mỹ Lộc (xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên), phát hiện được rất nhiều bàn mài là những công cụ sản xuất bằng đá rất hoàn thiện. Một câu hỏi đặt ra là liệu giữa di tích có mối quan hệ gì với nhau hay không?
Tại di tích, không phát hiện được dấu tích cư trú. Điều đó chứng tỏ rằng, giai đoạn này, có thể con người sống cùng thiên nhiên và ''nương náu'' dưới các thân cây to hoặc các vách đá.
Những hiện vật khai quật được tại di tích Khảo cổ Hàn Ông Đại đang được tiến hành nghiên cứu và sẽ có những báo cáo cụ thể sau. Thiết nghĩ, đây là một di tích rất có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn hóa con người tiền sử trên đất Bình Dương, vì vậy cần sớm có kế hoạch khai quật và khoanh vùng bảo vệ di tích. Hiện nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào tương đối hoàn thiện về thời kỳ tiền sử Bình Dương. Chúng ta hy vọng, một ngày sớm nhất sẽ có một công trình khoa học về lĩnh vực này.

VŨ THÀNH TRUNG


Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương Một nét Bình Dương
Thống kê
Lượt truy cập: 24408187